Thành phố thông minh - Thành phố vì con người

Bùi Văn Doanh

 

1 Trong một lần trả lời phỏng  vấn về tương  lai phát triển của báo chí, cô phóng viên trẻ hỏi tôi nhận định gì về báo chí 5 năm sau, tôi nói: Năm năm nữa thì khó ai có thể đoán định được báo chí sẽ như thế nào. Nói thế để thấy, cuộc cách mạng công nghiệp  4.0 này đang bước đi những bước thần kỳ khiến con người nhiều lúc cảm thấy “chóng mặt”, mà lĩnh vực xây dựng  cũng  không  nằm ngoài vòng quay ấy. Có thể nói, công nghệ 4.0 hầu như đang đi vào mọi ngóc ngách của ngành  Xây dựng, từ quản lý đến quy hoạch, thiết kế, thi công và cả quá trình giao dịch đến sử dụng...

Hãy tưởng  tượng, con người sử dụng  công  nghệ  in 3D không phải chỉ là “in” ra một chi tiết máy, hay một khẩu súng, mà là “in” cả một cây cầu, một tòa nhà, rồi đến lúc là “in” ra cả một thành phố. Hãy tưởng tượng, khách hàng chỉ cần ngồi nhà “lên mạng” là có thể xem xét mọi ngóc ngách của một căn hộ mình dự tính sẽ mua, thậm chí có thể điều chỉnh lại thiết kế căn hộ đó, ví dụ như cửa phòng  ngủ hay vị trí đặt bếp, đặt ban thờ cho... hợp phong thủy, và những yêu cầu đó sẽ được trao đổi để đáp ứng. 

Hãy tưởng tượng, có thể ngồi ở công sở để tắt chiếc bóng đèn ở nhà mà ta quên tắt lúc đi làm, hay bật bình nóng lạnh, điều hòa trước lúc tan tầm để khi về đến nhà đã có sẵn nước nóng để tắm hay căn phòng đã tràn ngập không khí mát rượi. Hãy tưởng tượng, cả một thành phố không thấy bóng một cảnh sát, không thấy bóng những chị lao công đi tưới cây... mà cây cối vẫn xanh tốt, xe cộ vẫn đi đúng đường, đúng hiệu lệnh. Hãy tưởng tượng, một công dân chỉ cần ngồi nhà là có thể thực hiện mọi thủ tục hành chính, hay đề đạt những kiến nghị và chính sách với chính quyền thành phố... Và người ta gọi đó là “Thành phố thông minh”!

Mà không còn là “tưởng tượng” nữa, tất cả những điều trên và còn rất nhiều thứ khác lớn hơn thế nữa, nhiều hơn thế nữa, quan trọng hơn thế nữa, “thông minh” hơn thế nữa... đã, đang và sẽ trở thành hiện thực trên khắp hành tinh này, như một giấc mơ. Mà thực ra, những điều đã và đang diễn ra ấy, chỉ cách đây ít năm thôi, có lẽ nằm mơ cũng chẳng dám. Ấy vậy mà cuộc cách mạng 4.0 lấy công nghệ thông  tin làm nền tảng đang diễn ra với tốc độ... siêu thanh. Không phải người ta chỉ lập trình, kết nối cho một chiếc điện thoại, chiếc máy tính, cũng không chỉ lập trình, kết nối trong một căn hộ, một tòa nhà, một khu phố nữa, mà là lập trình, kết nối cho cả một thành phố, rồi cả một quốc gia và tiến tới là cả... thế giới.

Thành phố thông minh đã và đang trở thành xu hướng của thời đại. Ở Việt Nam cũng đã có kế hoạch, chiến lược cho việc xây dựng thành phố thông minh. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đã và đang từng bước xây dựng những cấu thành cần thiết để phát triển đô thị thông minh. Năm 2020, Đà Nẵng là đô thị duy nhất cả nước được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao giải thưởng thành phố thông  minh, còn Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) được trao giải thưởng về Thành phố điều hành, quản lý thông minh. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã xác định mục tiêu xây dựng thành phố thông minh vào năm 2030.

 Mới đây nhất, ngày 14/01/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã khai trương mạng 5G tại KCN Yên Phong 1. Đây là KCN đầu tiên trong cả nước được triển khai mạng viễn thông  5G để áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng Khoa học công nghiệp lần thứ tư ứng dụng trong sản xuất, nhưng cũng là bước thử nghiệm quan trọng để tạo nền tảng, giúp xây dựng hạ tầng số hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh ở Bắc Ninh.

2  Thực ra, quan niệm về thành  phố thông  minh từ lúc sơ khai đến nay đã có sự thay đổi, phát triển, mở rộng, đặc biệt là ngày càng hướng đến con người. Từ chỗ
ban đầu gần như chỉ là việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông  minh để giải quyết các vấn đề về hạ tầng, năng lượng, chỗ ở, di chuyển, dịch vụ, an ninh..., thế giới đã dần dần gắn việc xây dựng thành phố thông minh với nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững. Nói nôm na, thành phố thông minh không chỉ giải quyết những vấn đề màn tính kỹ thuật, kinh tế, môi trường, mà còn là/ và cao hơn nữa phải là đáp ứng các nhu cầu xã hội, văn hóa, hướng đến con người và sự phát triển bền vững của các thế hệ tương lai.
Điều đó cũng  có nghĩa, việc xây dựng  thành  phố  thông minh phải lấy con người làm trung tâm, làm mục đích. Chính vì vậy, thế giới đang có sự dịch chuyển/ dung hòa giữa khái niệm Thành phố thông  minh với Thành phố đáng sống, Thành phố hạnh phúc. Đây không phải chỉ là chuyện câu chữ, mà là tính nhân văn, thái độ ứng xử với con người. Nếu quan niệm ban đầu thiên về việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật, thì xu hướng ngày càng nghiêng về việc đáp ứng cao nhất những nhu cầu của con người, những nhu cầu “mang tính người”.

 Như vậy, thay vì coi kỹ thuật, công nghệ là mục tiêu hướng tới của thành phố thông minh, thì thành phố đáng sống, thành phố hạnh phúc vẫn lấy kỹ thuật, công nghệ làm nền tảng nhưng hướng tới mục đích phục vụ con người. Nói ngắn gọn, công nghệ chỉ là phương tiện, còn con người mới là mục đích mà Thành phố đáng sống, Thành phố hạnh phúc hướng tới. Điều đó cũng có nghĩa, “thông minh” chỉ là phương tiện được sử dụng  để phục vụ cho mục đích là cuộc sống, là hạnh phúc của con người.

3 Tôi cũng có may mắn được đi du lịch một số nước châu Âu trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Từ một đất nước đang từng bước đi lên từ nông nghiệp, sang những xứ sở đi đầu về phát triển khoa học, công nghệ, đã có hàng trăm năm công nghiệp hóa... ắt có rất nhiều bỡ ngỡ. Từ việc tàu hỏa cao tốc đến và đi chính xác đến từng giây, đến việc đứng chờ xe buýt có thể theo dõi trên bảng điện tử biết được xe nào đang tới, thời gian nào tới nơi. Ngay cả việc nhỏ như... đi chợ, vào siêu thị hầu như tịnh không một bóng nhân viên bán hàng. Tất cả mọi việc từ chọn hàng, tính tiền, thanh toán... đều do máy móc.
 
Thật là bái phục: Tiện lợi, văn minh, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Và còn rất nhiều những cái lợi khác nữa... Mà đó mới chỉ là nói đến vài cái thứ lặt vặt. Thành phố thông  minh còn rất rất nhiều những chuyện đến... ly kỳ mà nằm mơ cũng không thấy... Nhưng có lúc tôi lại lẩn thẩn nghĩ, nếu đi trong một thành phố, nhất là sống trong một thành  phố mà toàn đối diện với máy móc, với bảng điện tử, với robot... thì sẽ ra sao nhỉ??? Và tôi lại chợt thèm cái cảm giác được hỏi đường để mà có cái cớ trò chuyện với nhau, thèm cả cảm giác vừa mua mớ rau, con cá, vừa được trêu đùa với cô bán cá, bà bán rau, thậm chí có khi người mua người bán thuộc cả tính nết nhau, dành sẵn cho nhau mớ rau con cá ưa thích... 

Thế mới biết, giao tiếp quan trọng đối với con người như thế nào, cần thiết đối với con người như thế nào. Giao tiếp, chính là cơ sở và điều kiện hình thành  tiếng nói, ngôn ngữ loài người. Nếu xã hội thiếu đi giao tiếp giữa con người với con người thì đâu còn là xã hội, lại càng không còn là xã hội loài người.

Tất nhiên, xã hội phát triển, văn minh hiện đại, người ta không thể bê cả một cái chợ quê vào giữa lòng phố thị. Nhưng bù lại cho cái chợ quê, một đô thị đáng sống phải tạo được nhiều không gian công cộng, và quan trọng là trong không gian ấy có đầy đủ điều kiện nảy sinh các hoàn cảnh giao tiếp để con người được mở lòng, chia sẻ với đồng loại, chứ không phải chỉ “lướt qua nhau như những bóng hình”. Có thể đó là không gian cho một đôi lứa, cho một gia đình, cho một cộng đồng nhỏ, cho một khu dân cư, cho một khu phố..., và có cả không gian giao tiếp cho cả một thành phố. Để con người cảm thấy đáng sống, hạnh phúc và cảm ơn “cuộc sống ơi ta mến yêu người”... Và chỉ có như thế, con người mới được phát triển đầy đủ, toàn diện, hoàn thiện bản thân và xây dựng một xã hội hoàn thiện, mang tính Người.

4 Nói về Thành phố thông  minh thì còn rất nhiều nội dung, rất nhiều điều để nói và cần nói. Nhưng để kết lại những suy nghĩ tản mạn đã trao đổi ở trên, tôi chỉ xin nhắc lại rằng: Thế giới đã ra nhiều cuốn sách, bộ phim khoa học viễn tưởng, nói về cuộc sống của con người trong tương lai, mà ở đó, con người được máy móc, công nghệ phục vụ tận răng, sống như những  ông hoàng, bà chúa. Nhưng nhân loại cũng đã xây dựng không ít bộ phim khoa học viễn tưởng nói về sự “nổi loạn” của máy móc, công nghệ, thậm chí là trí tuệ nhân tạo thống trị con người, và con người trở thành nô lệ của máy móc, công nghệ, của chính những điều do họ tạo ra.

Đó là một sự khích lệ, cũng là sự nhắc nhở đối với nhân loại. Trong xu hướng, trào lưu xây dựng thành phố thông minh mà con người đang hướng tới, đó còn là lời cảnh tỉnh. Thành phố thông  minh là xu thế tất yếu. Nhưng xây dựng thành  phố ấy nhằm mục đích gì, phục vụ ai? Từ đó xác định xây dựng như thế nào. Phải được xác định rõ ràng, để chọn được bước đi phù hợp là điều tiên quyết, tưởng như đơn giản nhưng lại là tối cần thiết. Nếu không, chỉ cần chọn hướng đi sai lầm, con người sẽ phải trả giá không chỉ bằng chính cuộc sống của mình mà là sự trả giá của nhiều thế hệ, thậm chí có khi không thể sửa sai...

5  Khoa học, công nghệ đang phát triển như vũ bão. Xây dựng thành phố thông minh - Điều đó là cần thiết và xu hướng của thời đại. Nhưng đừng để con người trở thành nô lệ cho chính mình.

 

* Tạp chí Xây dựng số 2/2021

Lượt xem: 370
Bình luận
Ý kiến chuyên gia
Video
Thư viện ảnh
Tin tức nổi bật
Tạp chí điện tử Xây dựng chính thức ra mắt bạn đọc

Tạp chí điện tử Xây dựng chính thức ra mắt bạn đọc

01/01/2022
 Vào lúc 0h ngày 01/01/2022, Tạp chí Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chính thức ra mắt bạn đọc Tạp chí điện tử Xây dựng tại địa chỉ http://tapchixaydung.vn. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, phù hợp với xu thế của báo chí hiện đại trong kỷ nguyên số ...