“Bắt nhịp” chuyển đổi số

Hiện nay, thế giới và khu vực đang diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đó là cuộc cách mạng về thông minh hóa, mọi máy móc, thiết bị có thể tự vận hành, ứng sử thông minh như con người.

Thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số và ngược lại.

Với sự sáng tạo, Việt Nam nói chung và ngành Xây dựng nói riêng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, nắm bắt cơ hội chuyển đổi số nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý ngành nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế và mang đến những tiện ích tối đa cho người dân.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Chuyển đổi số là quá trình tái cấu trúc toàn diện trên cơ sở tích hợp các công nghệ số phù hợp nhằm mục tiêu trở nên thông minh, nghĩa là hiệu quả hơn và có khả năng thích ứng cao hơn với bối cảnh thay đổi nhanh trong cuộc Cách mạng 4.0, là quá trình tự thay đổi để thích ứng với tương lai số.

Nội dung chuyển đổi số của các nước có sự khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, tuy nhiên điểm chung là đều hướng đến: chuyển đổi số nền kinh tế (kinh tế số, bao gồm: phát triển các doanh nghiệp số; chuyển đổi số cho các doanh nghiệp truyền thống; phát triển tài chính số; phát triển thương mại điện tử); chuyển đổi số xã hội; chuyển đổi số trong cơ quan Chính phủ (chính phủ số, hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia người dân trong các hoạt động cơ quan nhà nước); phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số. Trong đó có Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”, với tầm nhìn đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Có thể nói, trong chuyển đối số, người dân là trung tâm và yếu tố nhận thức đóng vai trò quyết định. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia.

Bên cạnh đó, động lực của chuyển đổi số chính là thể chế và công nghệ. Thể chế cần phải đi trước một bước. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Như vậy, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã thúc đẩy các quốc gia, trong đó có Việt Nam tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số như một xu thế tất yếu để thích ứng, đồng thời khẳng định sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngành Xây dựng với trọng tâm chuyển đối số

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và với nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của ngành Xây dựng, những năm qua, Bộ Xây dựng đã chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng, như: Quyết định số 560/QĐ-BXD ngày 22/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 (và của từng năm: 2016, 2017, 2018, 2019, 2020); 

Quyết định số 527/QĐ-BXD ngày 14/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện chương trình khoa học công nghệ trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ; Quyết định số 1375/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng Bộ Xây dựng; Quyết định số 1205/QĐ-BXD ngày 17/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; 

Quyết định số 1226/QĐ-BXD ngày 25/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng phiên bản 1.0; Quyết định số 1513/QĐ-BXD ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Xây dựng; Quyết định số 219/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến 2025;

 Quyết định số 626/QĐ-BXD ngày 10/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc Ban hành Bộ quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng; Quyết định số 791/QĐ-BXD ngày 25/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Xây dựng; Quyết định số 489/QĐ-BXD ngày 17/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của Bộ Xây dựng;

 Quyết định số 1285/QĐ-BXD ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng, phiên bản 2.0; Quyết định số 1533/QĐ-BXD ngày 07/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.

 

Đặc biệt, Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030” là kim chỉ nam cho hoạt động chuyển đổi số của ngành Xây dựng.

Trong Kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nêu rõ chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng; trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số; chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng; xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước là trung tâm của chuyển đổi số; xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng, mang tính căn cơ, cốt lõi trong quá trình phát triển ngành Xây dựng giai đoạn mới, đó là: Hoàn thiện thể chế để phục vụ chuyển đổi số của ngành Xây dựng; vận hành và cập nhật Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng.

Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số: văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng; nâng cấp đô thị; thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng; nghiệm thu các công trình đưa vào sử dụng; thanh tra, kiểm tra; hồ sơ cán bộ, viên chức ngành Xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân; phòng thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng; đề tài, dự án sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường…

Cùng với đó, ngành Xây dựng sẽ chú trọng phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng địa phương để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số cho một số lĩnh vực ưu tiên; Lựa chọn một số đối tượng cụ thể trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành Xây dựng để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho việc chuyển đổi số (ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý xây dựng; Ứng dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành đô thị thông minh, doanh nghiệp số); Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng làm chủ công nghệ số.

Trong chuyển đổi số, ngành Xây dựng tập trung vào các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên sau: Cơ sở dữ liệu số, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; thực hiện Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; Hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình); Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.

Để hiện thực hóa Kế hoạch chuyển đổi số, ngành Xây dựng sẽ tập trung nâng cao nhận thức bằng các hình thức phù hợp và thường xuyên để phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động về Chính phủ điện tử; Tăng cường chủ động tham gia cuộc Cách mạng 4.0, mô hình kinh tế số, mô hình doanh nghiệp số; Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hoặc thuê hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; Phục vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng địa phương bằng các phương thức phù hợp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quá trình thực hiện Kế hoạch theo định kỳ hàng năm thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban trực tiếp, trực tuyến thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.

Có thể nói, bước sang năm mới 2021 và 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, ngành Xây dựng đã và đang tạo dựng được những tiền đề vững chắc, qua đó bắt nhịp, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, hướng đến xây dựng và phát triển ngành Xây dựng hiện đại, bền vững, cùng với các Bộ ngành Trung ương, phấn đấu thực hiện thắng lợi “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng

 

Lượt xem: 1.370
Bình luận
Ý kiến chuyên gia
Video
Thư viện ảnh
Tin tức nổi bật
Tạp chí điện tử Xây dựng chính thức ra mắt bạn đọc

Tạp chí điện tử Xây dựng chính thức ra mắt bạn đọc

01/01/2022
 Vào lúc 0h ngày 01/01/2022, Tạp chí Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chính thức ra mắt bạn đọc Tạp chí điện tử Xây dựng tại địa chỉ http://tapchixaydung.vn. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, phù hợp với xu thế của báo chí hiện đại trong kỷ nguyên số ...